TUYÊN TRUYỀN BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
BÀI TUYÊN TRUYỀN
BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
SỞ GD&ĐT HƯNG YÊN TRƯỜNG THPT NAM KHOÁI CHÂU Số: 03/KH- PYT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Khoái Châu, ngày 19 / 03 /2019 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
I. Tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).
- Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 3/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
-Tại Việt Nam Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày (5/3), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 331 hộ ở 49 xã, 20 huyện của 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam; 6.471 con lợn đã bị tiêu hủy.
- Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tính từ 1/2/2019 đến ngày 12/3/2019 bệnh DTLCP đã xảy ra tại 143 hộ, 57 thôn của 35 xã trên địa bàn 6 huyện , thành phố( TP Hưng Yên, Kim Động, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Ân Thi và Văn Giang) với tổng số lợn bị tiêu hủy là 3.667 con. Hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Nguyên nhân do người nuôi chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen với nơi ở, không khai báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ , tiêu thụ lợn bệnh…..
II. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo Bộ NN&PTNT, bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác; lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, có thể đánh giá ở các mức độ sau:
1. Thể quá cấp tính.
Do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
2. Thể cấp tính.
Do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42ºC). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.
Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Lợn chửa có thể sảy ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút dịch tả lợn suốt đời.
3. Thể á cấp tính:
Gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn chửa sẽ sảy; lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30-70%. Lợn có thể khỏi hoặc bị nhiễm bệnh mãn tính.
4. Thể mãn tính:
Gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính.
III. Nhận biết thịt lợn bệnh để bảo đảm sức khỏe
Trước tình hình dịch tả lợn hiện nay, chất lượng thịt lợn được bán trên thị trường đang là mối lo ngại của người dân. Thậm chí, nhiều người ngần ngại, không ăn thịt lợn.
Thịt lợn bị nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng: Trên da và tai lợn có những đốm xuất huyết lấm tấm. Tai lợn có màu tím xanh. Khi lợn bị giết mổ thì toàn bộ nội tạng bị xuất huyết.
Miếng thịt nhiễm tả lợn châu Phi có màu lạ như nâu, đỏ thâm, tím tái hay xám, xanh nhạt.
Mặt khác, thịt lợn bệnh cũng không có độ đàn hồi. Ấn tay vào miếng thịt thấy bị rỉ nước, chảy nhớt.
Trong khi miếng thịt lợn tươi ngon có màu đỏ tươi, mỡ trắng, da không có các đốm đỏ. Thịt lợn khỏe mạnh săn chắc, có độ đàn hồi.
Cũng có trường hợp, lợn bệnh được giết mổ chui và thịt bị xử lý tẩm ướp hóa chất, màu đỏ để tuồn ra thị trường tuy nhiên chúng ta có thể phân biệt: Thịt bị ướp hóa chất, tẩm màu đỏ thường trông đỏ tươi nhưng thịt bị cứng, không có độ đàn hồi. Khi cắt miếng thịt lợn được ướp hoá chất sẽ nhũn, chảy dịch, phía trong màu hơi thâm và có mùi.Loại thịt đã bị tẩm ướp hoá chất khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Nên mua thịt lợn ở những địa điểm bán uy tín như siêu thị, cửa hàng bán thịt sạch, các sạp trong chợ truyền thống, những người bán thịt lợn lâu năm đã có quan hệ, uy tín với người mua. Chọn mua thịt lợn tươi, chọn thịt lợn sạch. Không nên vì rẻ mà mua thịt ở các hàng quán lề đường, chợ “chồm hổm”, thịt đã ôi, có màu, mùi lạ. Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe trong ăn uống, khuyến cáo người dân cần chế biến thịt đúng cách.
Thịt lợn mua về nên rửa qua nước muối pha loãng. Cần rửa dụng cụ (dao, thớt) truớc và sau khi chế biến thức ăn. Thực phẩm, thịt sống, chín không để lẫn lộn. Đặc biệt, thịt heo phải được nấu chín kỹ, không nên ăn tái, không nên ăn tiết canh.
Thức ăn nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
IV. Không may ăn phải thịt lợn mắc bệnh dịch tả Châu phi thì có làm sao?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, bệnh tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh cho người. Tuy nhiên, heo mắc bệnh này thì 100% là chết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường đã nói dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh nhưng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Khi nhiễm vi-rút, tỉ lệ chết trên đàn lợn rất cao lên tới 100%. Dịch bệnh này không lây cho người, chỉ lây lan làm lợn chết.
Trong trường hợp ăn phải thịt lợn đã nhiệm bệnh tả cũng không nguy hiểm cho tính mạng người tiêu dùng vì đã được nấu chín. Người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.
Ngay cả khi lợn mắc bệnh dịch tả chưa chết, chưa mắc các bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác cho con người thì trong cơ thể lợn, trong thành phần thịt đã có chứa nhiều virus, vi khuẩn, không nên ăn.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn.( nguồn sưu tầm: Báo Mới bài “Ăn phải thịt lợn mắc dịch tả lợn châu Phi có nguy hiểm cho sức khỏe?”)
Trên trang báo Pháp luật có bài “ Thịt nhiễm dịch tả heo Châu phi có gây nguy hiểm cho người?” cũng viết: Theo Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, không giống như cúm heo hay các bệnh dịch khác của heo, dịch tả heo Châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đến sức khỏe con người. Trả lời trên VnExpress, PGS Nguyễn Bá Hiên (khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay dịch tả heo không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn luôn khuyến cáo thịt heo cũng như tất cả loại thịt sống khác cần được chế biến kỹ trước khi ăn, vì chúng có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh. Nên giữ lạnh và để riêng biệt thịt heo sống với các thực phẩmkhác trước khi nấu.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần sử dụng thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Heo mắc bệnh tả sẽ chết 100% chỉ trong 5-10 ngày. Vi khuẩn tả trong thịt heo chết ở nhiệt độ 100 độ C.
Trên báo Kinh tế & Đô thị cũng viết Dịch tả lợn Châu Phi: Không gây bệnh trên người, không nên tẩy chay” , Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đã nói: “Bệnh dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, virus dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100
độ C".
BGH PHÊ DUYỆT T/M BAN CHĂM SÓC SỨC KHỎE
PHÒNG Y TẾ