TRƯỜNG THPT NAM KHOÁI CHÂU VỚI CÔNG TÁC AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HỌC SINH
TRƯỜNG THPT NAM KHOÁI CHÂU VỚI CÔNG TÁC AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HỌC SINH
Hằng năm, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn con nguời. Vậy nên tai nạn giao thông đã trở thành một vấn nạn đáng báo động đối với toàn thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là sự hạn chế về hiểu biết và ý thức của người dân trong đó thanh niên là đối tượng tham gia giao thông đông nhất hiện nay. Thế nên chúng ta cần phải có biện pháp như thế nào để ngăn chặn và giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông đang ngày một tăng cao như hiện nay khi mà nạn nhân tai nạn giao thông ngày càng được trẻ hóa.
Chúng ta, nhất là những người trẻ, có suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông? Câu hỏi đó làm nhức nhối bao nhiêu thế hệ và chúng tôi những đoàn viên, thanh niên trẻ của trường THPT Nam Khoái Châu đã chung tay góp sức để trả lời câu hỏi khó đó bằng hành động cụ thể.
Trước hết, ta cần hiểu tai nạn giao thông là như thế nào? Tai nạn giao thông là sự va chạm mạnh giữa những phương tiện tham gia giao thông với nhau, gây thiệt hại nghiêm trọng về con người và vật chất. Tai nạn giao thông có thể gây thiệt mạng, tàn tật cho con người dẫn đến mất sức lao động cho xã hội và để lại mất mát đau thương về mặt tình cảm cho gia đình, người thân. Ngoài ra, tai nạn giao thông còn gây thiệt hại của cải cá nhân và công cộng. Vậy nên, hằng năm Nhà nước ta đã chi ra một khoản tiền không nhỏ để cải thiện tình hình, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất hay đưa ra Luật nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Nhưng liệu đó có phải là cách hiệu quả?
Từ khi con người sáng chế ra những phuơng tiện để di chuyển thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện tai nạn giao thông, dù là ở nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, cứ mười lần bước ra đường phố thì đã nhìn thấy hết bảy lần xảy ra tai nạn giao thông. Vậy tại sao lại có một con số thật khó tưởng tượng, vì đâu mà tai nạn giao thông lại xảy ra một cách quá phổ biến? Có nhiều lý do để giải thích, như đã nói ở trên là do khách quan và chủ quan mà nguyên nhân chủ quan lại chiếm đa số.
Nguyên nhân sâu xa của tai nạn giao thông chính là sự thiếu ý thức và thiếu hiểu biết của con người tham gia giao thông, trong đó học sinh, sinh viên chiếm số lượng đông nhất. Những đối tượng này hoặc chưa có đủ kiến thức về an toàn giao thông hoặc chưa hoàn toàn có ý thức chấp hành Luật. Có những học sinh biết rõ Luật nhưng cố tình vi phạm. Mặc dù biết phải dừng xe khi đèn đỏ nhưng thay vì làm thế các học sinh này lại cố phóng nhanh để vượt đèn đỏ. Các học sinh ấy không biết rằng chỉ để tiết kiệm vài giây mà họ có thể đánh đổi bằng mạng sống của mình. Lại có những học sinh chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy trên 50 phân khối nhưng đã đi xe đến trường, không chỉ có thế những học sinh này còn tổ chức đua xe dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Hay có trường hợp rất phổ biến ở trường học hiện nay là học sinh đến trường bằng xe đạp điện, hoặc được phụ huynh đưa đi không đội mũ bảo hiểm mặc dù biết đó là quy định của Nhà nước và cũng là nội quy nhà trường. Như chúng ta đã biết rằng số lượng học sinh tham gia giao thông là khá đông. Vào các giờ tan trường lượng người tham gia giao thông tăng lên làm cho các làn đường trở nên đông đúc, chật hẹp. Đã vậy, một số học sinh còn tụ tập thành nhóm trước cổng trường, ven các vỉa hè, con lươn gây ách tắc giao thông và va quệt lẫn nhau rất dễ dẫn đến tai nạn. Và đặc biệt là học sinh, sinh viên rất hay dàn hàng ngang giữa lòng đường cản trở các phương tiện khác tham gia giao thông, dẫn đến tình hình hỗn loạn trên đường phố.
Và thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến TNGT là do sự thiếu hiểu biết. Số đông dân chúng còn có quan niệm rằng tai nạn nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là do số mệnh con người quyết định. Họ không thấy rằng phần lớn tai nạn giao thông là có thể phòng tránh được. Cùng với đó là có nhiều người hiểu biết về luật giao thông nhưng do ý thức kém nên đã không chấp hành: uống rượu bia vượt quá nồng độ cho phép khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm ở phần đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, chở trên ba người phóng nhanh vượt ẩu… Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất, làm đau đầu các nhà quản lí. Một phần nữa vì không có biện pháp kiểm soát, bắt nóng ngay khi phạm luật nên mọi người cứ vô tư phạm luật khi không thấy có cảnh sát giao thông. Xét về nguyên nhân khách quan, cơ sở hạ tầng của rất nhiều tuyến đường kém chất lượng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông. Nhiều phương tiện khi tham gia giao thông kém chất lượng thậm chí không đủ điều kiện lưu thông...
Song xét cho đến cùng thì tất cả nguyên nhân gây ra tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người tham ra giao thông. Nếu như họ biết quý bản thân mình, tôn trọng người khác, biết tuân thủ luật lệ giao thông, biết nghĩ đến sự an toàn cho người cùng tham gia giao thông với mình thì sẽ chẳng có những vụ tai nạn giao thông thương tâm để lại bao đau thương tiếc nuối xảy ra. Hồi chuông cảnh báo luôn rung lên, nhắc nhở mọi người hãy biết chấp hành giao thông, vì sự an toàn của bản thân và xã hội.
Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông thì mọi người đều phải chấp hành nghiêm luật giao thông, đi đúng tốc độ, đúng phần đường, không điều khiển xe khi đã uống rượu bia, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, đi trên đường không nên ganh đua với người khác, tôn trọng mọi người khi tham gia giao thông v.v…
Riêng về phần học sinh chúng ta, ngay bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tự trang bị những kiến thức về an toàn giao thông cho bản thân bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thiết thực do Đoàn trường tổ chức để tuyên truyền luật giao thông cho mọi người và gia đình. Chấp hành nghiêm luật giao thông, đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe gắn máy, xe đạp điện, không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi quy định hoặc khi chưa có giấy phép lái xe đặc biệt là sau khi các bạn đã kí cam kết thực hiện an toàn giao thông. Không phải thực hiện theo cách đối phó mà hãy thực hiện vì chính sự an toàn của bản thân mình. Ở trường ta, đa số các bạn học sinh thực hiện tốt luật an toàn giao thông đường bộ, tuy nhiên còn một số bộ phận không nhỏ các bạn học còn chưa thực hiện tốt, thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông như khi tan học còn tụ tập trước khu vực cổng trường gây ùn tắc giao thông, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai, đi dàn hàng ngang trên đường.
Trên địa bàn huyện Khoái Châu chúng ta, toàn dân cũng đang hướng ứng tháng an toàn giao thông vào tháng 9 này, các lực lượng công an giao thông sẽ thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử phạt người vi phạm. Nếu các bạn học sinh bị xử lí vi phạm khi tham gia giao thông nghĩa là bạn đã vi phạm pháp luật.
Bản thân tôi cũng sẽ có gắng chấp hành luật giao thông thật tốt, góp một phần nhỏ nào đó làm giảm thiểu tai nạn giao thông, đem lại an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
Tóm lại, tai nạn giao thông là một vấn đề bức bách cần giải quyết. Vấn đề này cần sự ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể của từng cá nhân trong xã hội. Hy vọng là một ngày gần đây, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu tối đa, đem lại niềm vui và sự an tâm cho mọi người khi tham gia giao thông.
Và thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn sau bài viết này là “An toàn là bạn, tai nạn là thù”. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong nhiều lĩnh vực, có sức khoẻ, có tri thức… cần có những suy nghĩ đúng đắn và tự giác thực hiện Luật an toàn giao thông để giảm thiểu tai nạn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. “Bạn và tôi hãy cùng nhau thực hiện tốt luật an toàn giao thông như chúng ta đã cam kết”